Sáng ngày 12/4, tại Đại học Thái Nguyên, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo do ông Trần Nam Tú – Phó vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Đại học Thái Nguyên về việc góp ý xây dựng các chính sách thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ. Dự buổi làm việc, có đồng chí Nguyễn Hữu Công – Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên, đại diện Văn phòng, Ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, Ban Kế hoạch Tài chính, các cơ sở giáo dục đại học thành viên, các nhà khoa học là chuyên gia đầu ngành của một số lĩnh vực.
PGS.TS Nguyễn Hữu Công – Phó Giám đốc ĐHTN phát biểu tại buổi làm việc
Theo đó, tại buổi làm việc, các đại biểu đã cho ý kiến về 03 dự thảo: Thông tư quy định hướng dẫn phát triển nhóm nghiên cứu mạnh trong các cơ sở giáo dục đại học, đề cương xây dựng cơ chế chính sách đầu tư phát triển phòng thí nghiệm, chương trình nghiên cứu để phát triển một số đại học/trường đại học trọng điểm, cơ chế chính sách khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo gắn với chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học.
Đã có trên 20 lượt ý kiến của các đại biểu cho 03 dự thảo văn bản xin ý kiến. Về cơ bản, các cán bộ quản lý, nhà khoa học của Đại học Thái Nguyên đều bày tỏ sự đồng tình với các dự thảo mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng cũng như đánh giá cao việc Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động xin ý kiến góp ý từ cơ sở cho các dự thảo. Bên cạnh đó, các đại biểu của Đại học Thái Nguyên cũng đã cho ý kiến về các dự thảo, cụ thể:
Về dự thảo Thông tư quy định hướng dẫn phát triển nhóm nghiên cứu mạnh trong các cơ sở giáo dục đại học, các đại biểu đi sâu vào thảo luận ở nội dung các tiêu chí nhóm nghiên cứu mạnh và các tiêu chuẩn của trưởng nhóm và thành viên. Các đại biểu cho rằng, các tiêu chí như trong dự thảo nêu ( đặc biệt là bài báo quốc tế) là hơi khó thực hiện so với thực tế và nên tính đến yếu tố vùng miền trong việc thực hiện, triển khai; bổ sung thêm các chính sách, tiêu chí đối với trưởng nhóm; trong việc vận dụng các tiêu chí cũng cần linh hoạt, mềm dẻo ví dụ như ở một số trường hợp cần những tiêu chí tiêu biểu, có điều kiện tối thiểu, mềm dẻo. Đối với các chế độ ưu đãi về tài chính cần có cơ chế rõ ràng…
Đại diện Trường Đại học Nông Lâm phát biểu ý kiến
Đối với dự thảo về cơ chế chính sách khuyến khích khởi nghiệp, các đại biểu của Đại học Thái Nguyên đều cho rằng các cán bộ, giảng viên trẻ và sinh viên của Đại học đang khá hào hứng với vấn đề này và Đại học Thái Nguyên cũng đã tổ chức những cuộc thi, diễn đàn khởi nghiệp cho các giảng viên trẻ và sinh viên của Đại học Thái Nguyên. Trong thời gian tới, Đại học Thái Nguyên cũng như các trường thành viên cần có sự định hướng, đầu tư và tư vấn nhiều hơn từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề này để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã đề cập tới vấn đề cấp quyền sở hữu trí tuệ cũng như hỗ trợ kinh phí cho các ý tưởng khởi nghiệp; việc xây dựng các trung tâm, doanh nghiệp khoa học công nghệ trong các trường đại học; việc trang bị kiến thức và hỗ trợ các điều kiện cần thiết về kinh phí, môi trường, chế độ chính sách … về khởi nghiệp từ phía Đại học Thái Nguyên và các trường thành viên…
Thanh Loan TNU Media